Theo quyết định truy nã, Triệu Quân Sự - phạm nhân đặc biệt nguy hiểm, đang mang 4 tiền án và từng giết người, đã thực hiện việc trốn trại giam vào khoảng 14h20' ngày 3/6 bằng cách leo qua tường rào khu bảo vệ trại giam.
Ngày 5/6, Trại giam quân sự khu vực miền Trung - Quân khu V (T10) cho biết, đã ra quyết định truy nã phạm nhân trốn khỏi nơi giam đối với Triệu Quân Sự (SN 1991, quê tỉnh Thái Nguyên).
Quyết định truy nã do Đại tá Lê Văn Hạnh, Giám thị trại giam T10 ký và ban hành vào ngày 4/6.
Phạm nhân Triệu Quân Sự mang 4 tiền án.
Theo đó, Sự đang thi hành án tù chung thân với các tội danh giết người, cướp tài sản, đào ngũ, trốn khỏi nơi giam, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích. Trước khi phạm tội, Sự là binh nhì, chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3, Quân khu I.
Quyết định truy nã Triệu Quân Sự.
Theo quyết định truy nã, Sự đã thực hiện việc trốn trại giam vào khoảng 14h20 ngày 3/6 bằng cách leo qua tường rào khu bảo vệ trại giam.
Quyết định truy nã cũng nêu các đặc điểm nhận dạng của phạm nhân Sự như cao khoảng 160 cm, màu da ngăm đen, sống mũi thẳng. Cơ quan chức năng thông báo ai thấy Sự ở đâu thì báo cho cơ quan công an gần nhất hoặc đơn vị T10 qua số điện thoại 0336840486 hoặc 0384121710.
Theo cơ quan chức năng, hiện phạm nhân Sự được cho rằng đang lẩn trốn ở khu vực núi Hải Vân giáp ranh tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
Lực lượng công an đưa chó nghiệp vụ đến hiện trường để tìm kiếm tên vượt ngục.
Lực lượng bộ đội lùng sục trong rừng để truy tìm đối tượng.
Chiếc xe máy đối tượng bỏ lại hiện trường.
Lực lượng Cảnh sát cơ động được tăng cường đến đèo Hải Vân.
Hiện, lực lượng Quân đội, Công an các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và Biên phòng đang tích cực truy dấu phạm nhân đặc biệt nguy hiểm này.
Được biết, đây là lần thứ 2 Triệu Quân Sự thực hiện thành công việc trốn trại giam. Trước đó, ngày 8/11/2015, Sự đã dùng vật nhọn cưa song sắt cửa sổ buồng giam vượt tường trốn khỏi Trại giam T10. Một tháng sau, Sự bị bắt.
Ngày 3/6/2020, Sự tiếp tục trốn trại giam T10. Ngày 4/6, trên đường bỏ trốn, Sự trộm 1 chiếc xe máy và cướp 1 số tài sản của người dân ở Quảng Nam.
Chiều 4/6, chiếc xe máy Sự trộm được lưu thông qua đèo Hải Vân thì bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh kiểm tra. Ngay sau đó, đối tượng điều khiển lập tức vứt bỏ xe bên đường rồi chạy trốn lên núi theo lối mòn.
“
Trước đó, khoảng 14h30 chiều 3/6, Triệu Quân Sự (SN 1991, quê huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã bỏ trốn khi đang thụ án tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung (trại giam T10), đóng tại xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Phạm nhân này đang thụ án tù chung thân tại Trại giam T10 vì phạm tội Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ và "Trốn khỏi nơi giam giữ".
Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng công an, quân đội và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương tổ chức truy tìm tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Theo cơ quan công an, Sự là thủ phạm trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra vào chiều 22/8/2012. Nạn nhân bị Sự sát hại, cướp tài sản là nữ chủ quán cà phê Hương Sen (quận Long Biên, TP Hà Nội).
Lúc gây án, Sự đang là quân nhân (binh nhì thuộc Quân khu I), vi phạm quân lệnh đào ngũ khỏi đơn vị đi chơi. Đối tượng này rất mê chơi game. Ngày 23/8/2012, Công an TP Hà Nội bắt được Sự khi đang nằm ngủ tại một nhà nghỉ ở Thái Nguyên.
Đây là lần thứ 2 phạm nhân Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam.
Lần trước đó, ngày 8/11/2015, Sự và phạm nhân Nhâm Văn Tuấn (SN 1985, quê huyện Vị Xuyên, Hà Giang; phạm tội "Cướp tài sản", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cố ý gây thương tích" chịu mức án 28 năm 11 tháng 25 ngày tù) đang thi hành án tại Trại giam T10 đã dùng vật sắc, nhọn cưa song sắt cửa sổ của buồng giam rồi tẩu thoát.
Sau hơn 1 tháng truy tìm, chiều tối 15/12/2015, Cục Truy nã tội phạm Bộ Công an và các cơ quan chức bắt được Sự khi đang chơi game tại một quán Internet trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
” Theo Hà Nam/Tổ Quốc : http://nhipsongviet.toquoc.vn/vu-hang-tram-chien-si-truy-bat-ten-sat-nhan-tai-da-nang-he-lo-phuong-thuc-2-lan-vuot-nguc-cua-ke-mang-4-tien-an-2202056141031677.htm