Khá nhiều người sau khi ăn hải sản thì bị hiện tượng dị ứng. Nguyên nhân dẫn đến dị ứng sau khi ăn hải sản có thể do nguồn hải sản kém chất lượng, chế biến không hợp vệ sinh, hoặc do cơ địa bản thân từng người hay tiêu thụ lượng nhiều... Vậy làm thế nào để phòng tránh dị ứng hải sản?
Hình ảnh bệnh nhân D. bị dị ứng hải sản đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang
Ăn hải sản xong nhập viện
Sáng ngày 26/06/2018, bệnh nhân Phạm Anh Đ, sinh năm 1977 sống tại Kim Lan – Gia Lâm – Hà Nội nhập viện với triệu chứng mề đay, sẩn ngứa kèm đau mỏi toàn thân sau khi ăn hải sản, tình trạng này đã kéo dài trong 5 ngày liên tục, bệnh nhân tự điều trị ở nhà nhưng không thấy đỡ nên mới quyết định đến bệnh viện đa khoa Đức Giang khám.
Sau quá trình thăm khám, dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán Dị ứng do hải sản và có chỉ định nhập viện điều trị.
Theo chia sẻ của bác sĩ Trần Thị Oanh – Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Trung bình mỗi tuần, khoa Nội Tổng hợp tiếp nhận 7 - 8 trường hợp nhập viện điều trị dị ứng. Trong số đó, phần lớn các bệnh nhân sau một thời gian theo dõi, thăm khám, đều phát hiện mình bị dị ứng do ăn các loại hải sản như tôm, cua, mực, bạch tuộc, cá ngừ, sò, ốc...
Dấu hiệu của dị ứng hải sản:
Trẻ nhỏ hay những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị dị ứng thức ăn nói chung, hải sản nói riêng. Với người lớn khi bị dị ứng có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da; còn đối với trẻ nhỏ đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa nên nhiều cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa.
Triệu chứng dị ứng biểu hiện từ mức độ nhẹ đến nặng, rất đa dạng, thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút.
- Nhẹ: nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), ngứa, nôn nao khó chịu, đau đầu, chóng mặt, thường vài giờ sau triệu chứng sẽ lặn.
- Nặng: ngoài nổi ban và ngứa, còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở... thậm chí gây biến chứng phản vệ nguy hiểm như sốc, mạch đập nhanh. Nếu không được thải độc kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
- Đối với dị ứng hải sản, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.
Hải sản là thực phẩm rất dễ gây dị ứng
Cần làm gì khi bị dị ứng hải sản?
Dị ứng hải sản cũng như các loại thực phẩm khác, cần loại trừ chất gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, trong đó nôn là biện pháp hiệu quả nhất.
- Có thể dùng lông gà (rửa sạch bằng nước muối), sau đó đưa vào gần cuống họng sẽ có phản ứng nôn hoặc cũng có thể dùng ngón tay ngoáy họng.
- Sau khi đã nôn, người bệnh uống nước trà đường nóng … để bù nước, cầm đi lỏng, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe.
- Với trường hợp nặng đặc biệt kèm sốc phản vệ phải đưa đến cơ sở y tế hoặc thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc về nhà chữa sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Biện pháp phòng tránh dị ứng hải sản:
- Tránh ăn và loại trừ tất cả những món ăn có thành phần hải sản gây dị ứng
- Khi đi du lịch, bạn cần xem kỹ thực đơn, nguyên liệu chế biến món ăn đặc biệt những món có kết hợp nhiều nguyên liệu, việc này giúp bạn tránh ăn phải hải sản. Mang theo một số thuốc chữa dị ứng đơn giản theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nên tránh xa khu vực nấu nướng. Bởi có thể khi hít phải mùi của món hải sản vẫn có thể gây dị ứng.
- Tuyệt đối không ăn những món hải sản đã ươn, chết
- Khi đã bị dị ứng với một loại hải sản cũng nên thận trọng với các đồ biển khác vì có thể bị dị ứng chéo. Nên ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng phải ngừng lại ngay.
Theo Hồng Ngọc/ Gia Đình Mới : https://www.giadinhmoi.vn/vi-sao-tre-bi-di-ung-sau-an-hai-san-co-bieu-hien-de-nham-voi-benh-roi-loan-tieu-hoa-d9454.html